Lịch sử Lyon

Lyon có một bề dày lịch sử lâu đời, từ thời nguyên thuỷ đã có những cư dân tới sinh sống tại đây, thành phố được chính thức thành lập từ thời kì La mã cổ đại.

Thời kì nguyên thuỷ và cổ đại

Tượng Lucius Munatius Plancus (?), người khởi lập nên thành phố

Từ thời kì đồ đá mới cho tới kỉ nguyên thứ hai của thời đại đồ sắt, những khám phá khảo cổ về dấu vết của sự sống và đồ vật đã chỉ ra sự xuất hiện của những đầu mối thương mại đầu tiên, thông qua việc vận chuyển rượu vang giữa vùng ven biển Địa Trung Hải và phía bắc (thế kỉ thứ VI). Do thiếu những đồ vật được chế luyện nên người ta chưa thể đưa ra được kết luận rằng giai đoạn này đã hình thành những thành phố hay mới chỉ dừng lại ở phân cấp làng xã [7]. Tại khu vực đồi Fourvière, người ta tìm thấy hàng nghìn vò hai quai của thời cổ đại. Nhiều khả năng đây là địa điểm mà các thủ lĩnh người Gaulois nhóm họp để tổ chức những buổi yến tiệc ca tụng thần Lug

Thủ đô của vùng Gaule

Năm 43 trước công nguyên, Lucius Munatius Plancus thành lập thành phố dưới cái tên là Colonia Copia Felix Munatia Lugdunum [8]. Thời kì đầu, thành phố không có tường thành, nó được bao bọc bởi hệ thống những hào và rãnh xung quanh giống như những khu làng La Mã cổ [9]. Thành phố được xây dựng chủ yếu bởi gỗ và đất, nhưng vẫn có những khu nhà với nền bằng đá và vật liệu khác [10]. Sự phát triển của thành phố rất nhanh chóng nhờ vào vị trí cực kì chiến lược. Tên của thành phố được đổi thành Colonia Copia Lugdunum (Lugdunum). Năm 27 trước C.N, tướng Agrippa, con rể của hoàng đế Augustus, tiến hành phân chia vùng Gaule thành 3 vùng: Gaule lyonnais (hay Gaule Celtic), Aquitaine và Belgique. Lugdunum trở thành thủ đô của vùng Gaule lyonnaise, đồng thời nắm giữ quyền lực cao nhất trong 3 vùng, qua đó trở thành thủ đô của vùng Gaule. Năm 19 trước C.N, Augustus bắt đầu tiến hành quy hoạch hệ thống đô thị. Với sự phát triển liên tiếp được kế thừa từ các hoàng đế, thành phố ngày càng được mở rộng, đẹp và giàu có hơn. Đã có hai hoàng đế La Mã được sinh ra ở Lyon là Claudius (năm 10 trước C.N) và Caracalla (năm 186 sau C.N). Năm 64, một trận hoả hoạn lớn đã tàn phá Roma, những người đứng đầu thành phố đã gửi tới Roma 4 triệu xettec (tiền La Mã) cho công cuộc khôi phục lại thành phố. Năm sau đó, đến lượt Lugdunum trở thành nạn nhân của một trận hoả hoạn khác, và lần này tới lượt hoàng đế Nero gửi lại 4 triệu xettec cho việc tái thiết.

Vị trí then chốt của Lyon tại nơi hợp lưu của 2 dòng sông Rhône và Saône biến nó thành một cảng sông quan trọng. Nơi đây cũng là một nút thắt giao thông quan trọng, kết nối phía nam của vùng Gaule với Aquitaine, Bretagne, GermaniaItalia. Thành phố chịu sự điều hành của viện nguyên lão, sự phồn vinh của nó gắn liền với vai trò thủ đô của vùng Gaule. Dưới triều đại Flavian (từ năm 69 tới 96) và triều đại Nervan-Antonian (năm 96 tới 192), Lugdunum là một thành phố thịnh vượng và hoà bình, giống như tình trạng chung của toàn đế chế khi đó. Dân số toàn thành phố ước tính từ khoảng 50.000 tới 80.000 người [11], là một trong những thành phố lớn nhất vùng Gaule bên cạnh Narbo Martius (Narbonne ngày nay).

Suy tàn

Dưới triều đại Severan (193-235), thành phố bắt đầu suy tàn bởi những tín đồ Cơ đốc giáo tử vì đạo và những cuộc phân tranh liên tiếp [12].

Cuối thế kỉ thứ 3, Hoàng đế Diocletianus tổ chức lại các đơn vị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Lugdunum mất vai trò thủ đô vùng Gaule vào tay Trier (thuộc Đức ngày nay) vào năm 297.

Giai đoạn Cơ Đốc hoá và thời kì Trung Cổ

Thời kì phục hưng và chiến tranh tôn giáo

tơ lụa và gấm vóc của Lyon

Đây là thời kì hoàng kim của thành phố, kinh tế phát triển mạnh nhờ các chủ ngân hàng đến từ Florence. Lyon trở thành một thị trường hấp dẫn với những phiên hội chợ được họp 4 năm một lần, sự phát triển của nghề in và sự giao thương với Đức. Thơ ca giai đoạn này cũng toả sáng rực rỡ. Việc buôn bán tơ lụa trở nên đặc biệt phát triển với những sản phẩm tinh xảo của những người thợ ở khu Croix-Rousse. Giai đoạn này còn lưu giữ lại đến ngày nay nhiều dinh thự theo kiến trúc Phục Hưng, nhân chứng của một thời kì mà sự giàu có của nó đã đạt tới tầm châu lục.

Vào giai đoạn này Lyon trở nên vô cùng thịnh vượng. Đây là địa điểm giao dịch ngân hàng số một của châu Âu, đứng trước cả Genève, và là một trong những thành phố lớn nhất châu Âu. Rất nhiều ngôn ngữ được sử dụng tại Lyon trong giai đoạn này, và thành phố được đặt cho một cái tên là Myrelingues (tiếng Pháp có nghĩa là cả ngàn ngôn ngữ). Vua François I đã từng xem xét rất nghiêm túc ý định chuyển thủ đô về Lyon, nhưng cuối cùng ông vẫn ở lại Paris do cái chết đột ngột của một trong những hoàng tử của mình. Tới triều đại của vua Henri II, Lyon vẫn giữ được sức mạnh của mình, là thành phố đông dân thứ hai vương quốc với 50,000 dân. Sự có mặt thường xuyên của Henri II tại Lyon giúp mang lại nhiều những hoạt động kinh tế và văn hoá đặc sắc. Tuy vậy, những khoản nợ trở nên lớn dân và cuộc sống của tầng lớp bình dân trở nên khó khăn, dẫn tới một cuộc nổi loạn vào năm 1529 là dấu hiệu cho một sự suy tàn của thành phố.

Những cuộc chiến tranh tôn giáo đã thực sự xé nát sự phồn vinh của thành phố. Nó được đánh dấu bởi những cuộc viễn chinh của nam tước Adrets vào năm 1562, người đã thực hiện những cuộc tàn sát tín đồ Công giáo, cướp bóc và phá huỷ những công trình tôn giáo (nhà thờ Saint-Just và Saint-Nizier, những bức tượng của nhà thờ St-Jean). Thành phố đã đánh mất và không cách nào tìm lại được uy thế như ngày xưa: hầu hết những thợ in chuyển tới Genève, những ngân hàng cũng vậy, họ rời bỏ Lyon và không bao giờ quay trở lại đây nữa (năm 1568 ở Lyon có 75 ngân hàng của nước Ý, nhưng tới năm 1597 chỉ còn lại 21).

Thế kỉ 17 và 18

Cách mạng Pháp và giai đoạn đế chế

Thời kì và chế độ quân chủ

Đế chế thứ hai

Lyon ngày nay

Trong nhiệm kì thị trưởng của mình vào giai đoạn đầu thế kỉ 20, Edouard Herriot (1905-1957) đã cho thực hiện nhiều dự án lớn về xây dựng và quản lý đô thị. Dưới sự thiết kế và chỉ đạo của kiến trúc sư Tony Garnier, hàng loạt công trình đã được thực thi: cải tạo và quy hoạch lại khu Brotteaux (ngày nay trở thành biểu tượng về tinh thần của thành phố); halle Tony Garnier dành cho các buổi hội chợ triển lãm và biểu diễn nghệ thuật; sân vận động Gerland, hoàn thành năm 1914 với mục đích ban đầu là phục vụ cho chiến dịch đăng cai thế vận hội Olympic 1924, tuy nhiên sau đó Paris đã giành chiến thắng; bệnh viện Grange-Blanche để thay thế cho bệnh viện Hôtel-Dieu được hoàn thành vào năm 1910... Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhiều dự án xây dựng khác cũng được thực hiện như khu phố Mỹ, bưu điện trung tâm thành phố, hay mở rộng quảng trường Bellecour...

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, do nằm trong khu vực tự do và gần ranh giới với vùng chiến sự, Lyon đón nhận một số lượng lớn những người tị nạn. Những traboule (lối đi xuyên qua những khu nhà) truyền thống và gắn với lịch sử của Lyon được xây dựng ngày càng nhiều nhằm giúp trốn tránh sự truy lùng của đặc vụ Gestapo. Thành phố đã bị ném bom bởi các máy bay của quân đồng minh, không lâu sau đó nó được giải phóng vào ngày 3 tháng 9 năm 1944. Lyon được nhận danh hiệu thủ đô kháng chiến, một danh hiệu cao quý được trao bởi tướng de Gaulle vào ngày 14 tháng 9 năm 1944.

Sau nhiệm kì của Edouard Herriot, Louis Pradell tiếp tục các dự án quy hoạch đô thị bằng việc xây dựng những đường cao tốc về phía hữu ngạn sông Rhône, xây dựng các khu phố Duchère, Perrache, Part-Dieu, đường hầm lên đỉnh Fourvière và hệ thống tàu điện ngầm của Lyon ngày nay. Sau Louis Pradell, các thị trưởng của Lyon lần lượt là

  • Francisque Collomb, trong 2 nhiệm kì của mình (từ 1976-1989) ông đã cho thực hiện những dự án như: khôi phục hoạt động của halle Tony-Garnier, xây dựng khu triển lãm châu Âu Eurexpo, cầu Winston Churchill, ga Part-Dieu, trụ sở Interpol và triển khai xây dựng khu phức hợp Cité internationale de Lyon.
  • Michel Noir (Cựu Bộ trưởng ngoại thương), trong nhiệm kì của mình (1989-1995) ông đã cho tu sửa nhà hát Opera của thành phố, quảng trường Célestins và quảng trường Terreaux (nơi đặt trụ sở toà thị chính), và là người đầu tiên đặt tên Grand Lyon cho toàn bộ khu vực đô thị (cả nội đô và ngoại ô) của Lyon [13], ông cũng là người đặt nền móng cho bản kế hoạch ánh sáng, thắp sáng các công trình của thành phố vào ban đêm và đăng cai giải vô địch cờ vua thế giới năm 1990.
  • Raymond Barre (cựu thủ tướng Pháp),ông là người chủ trương biến Lyon thành một diễn đàn khoa học quốc tế, trong nhiệm kì 1995-2001 của ông Lyon là nơi tổ chức kì họp lần thứ 22 của tổ chức G7 năm 1996 [14], vào năm 1998 tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận 427ha diện tích của thành phố là di sản văn hoá thế giới.
  • Gérard Collomb, thị trưởng đương nhiệm, nắm quyền từ năm 2001. Ông là người đã cho quy hoạch lại hai bên bờ sông Rhône, trang bị hệ thống xe đạp tự phục vụ cho các khu dân cư trong thành phố, lên kế hoạch và thực thi việc xây dựng khu phố mới Confluence dọc theo xông Saône. Ông cũng là người khởi động một loạt dự án xây dựng các khu nhà cao tầng trong khu phố Part-Dieu, như tháp Oxygène (đã hoàn thành) và tháp Incity (đang xây dựng), ngoài ra còn nhiều dự án nhà cao tầng khác đang được nghiên cứu như tháp Eva, Silex 2, Icade...

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lyon http://www.developpementdurablelejournal.com/spip.... http://www.economie.grandlyon.com/fileadmin/user_u... http://www.grandlyon.com/La-Part-Dieu.2315.0.html http://www.grandlyon.com/Tour-Oxygene.2771.0.html http://www.linternaute.com http://www.linternaute.com/ville/ville/climat/1083... http://www.lyon-france.com/gallery_files/site_1/16... http://www.lyon-urbain.com/lyon-une-nouvelle-fois-... http://www.lyon-webzine.com/lyon/event-4238-le-nou... http://www.meteofrance.com/climat/france/rhone-alp...